Đóng Menu

Imexpharm đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2025 đạt 2.981 tỷ đồng, tăng 18,6%

Tại ĐHĐCĐ 2025 (25/4/2025), Imexpharm đã thông qua kế hoạch tăng trưởng 2025 với tổng doanh thu dự kiến đạt 2.981 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 493,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 22,1% so với năm trước.

2024: Một năm bền bỉ dẫn dắt thị trường trong biến động

Phát biểu mở đầu tại Đại hội, ông Sung Min Woo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, chia sẻ: “Năm 2024 là một năm đầy biến động và nhiều bất ổn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, với sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng nghỉ của các thành viên Ban Điều hành cùng toàn thể cán bộ nhân viên, Imexpharm đã đạt được những kết quả vượt trội… Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho tầm nhìn dài hạn của Imexpharm hướng đến trở thành một công ty dược hàng đầu châu Á, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đủ năng lực cạnh tranh trực tiếp với các công ty dược đa quốc gia.” 


Năm 2024, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Kênh ETC tăng trưởng vượt bậc 56%, với tỷ trọng doanh thu từ thuốc tiêm đạt tiêu chuẩn EU-GMP chiếm 33% tổng doanh thu. EBITDA đạt 521 tỷ đồng, tăng 12%, với biên lợi nhuận 24%, vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 404 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch lợi nhuận, bất chấp áp lực chi phí khấu hao từ nhà máy IMP4.

Tại cuộc họp, các cổ đông cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 là 5% trên vốn điều lệ bằng tiền, theo đề xuất của Hội đồng quản trị. Đây là điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo sự cân đối tài chính trong bối cảnh Imexpharm vừa hoàn tất phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1, nâng vốn điều lệ từ 700,4 tỷ đồng đầu năm lên 1.540,4 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2024 – tăng gấp 2,2 lần chỉ trong vòng một năm. Việc điều chỉnh mức cổ tức từ kế hoạch ban đầu (20%) xuống 5% tiền mặt thể hiện sự linh hoạt và trách nhiệm của Công ty trong việc giữ vững dòng tiền cho hoạt động đầu tư chiến lược, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực cho Dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh (IMP5) trong năm 2025.

2025: Củng cố nội lực - Gia tốc tăng trưởng - Kiến tạo vị thế mới

ĐHĐCĐ cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với các chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu dự kiến đạt 2.981 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2024; doanh thu thuần dự kiến đạt 2.649 tỷ đồng, tăng 20,1%; lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu 493,5 tỷ đồng, tăng trưởng 22,1%; EBITDA đạt 635 tỷ đồng, tăng 21,9%, với biên EBITDA được duy trì ở mức cao 24%, cho thấy triển vọng vận hành ổn định và khả năng sinh lời bền vững.



Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Imexpharm tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để mở rộng danh mục sản phẩm, dự kiến ra mắt 16 sản phẩm mới trong năm 2025. Các sản phẩm này, tập trung vào các phân khúc công nghệ cao như thuốc “first generic”, thuốc tương đương sinh học và các dạng bào chế phức tạp, dự kiến đóng góp từ 5-10% doanh thu, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, Công ty không ngừng mở rộng năng lực sản xuất với kế hoạch triển khai nhà máy IMP5 theo chuẩn EU-GMP vào cuối năm nay. IMP5 sẽ trở thành trung tâm sản xuất chiến lược sản phẩm công nghệ cao và dự kiến vận hành thương mại từ năm 2028. 

Đồng thời, Imexpharm đang tăng tốc mở rộng độ phủ thị trường theo chiều sâu lẫn chiều rộng. Tại miền Bắc – khu vực được xác định là trọng điểm chiến lược trong kế hoạch phân phối toàn quốc – công ty đã tái cấu trúc toàn diện hệ thống bán hàng, mở rộng đội ngũ, tinh chỉnh mô hình tiếp cận, và ghi nhận mức tăng trưởng gần 50% số lượng khách hàng trong năm 2024. Tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong quý 1/2025, đóng góp tích cực vào doanh thu và gia tăng độ nhận diện thương hiệu.
Đặc biệt, trong phần trình bày tại Đại hội, Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc khối Tài chính Imexpharm, nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và quản trị hiệu suất như những đòn bẩy then chốt cho giai đoạn tăng trưởng mới. Hệ thống báo cáo thông minh, các nền tảng quản trị dữ liệu tài chính – vận hành – bán hàng, cùng mô hình quản trị tinh gọn đang giúp Công ty không chỉ kiểm soát chi phí chặt chẽ mà còn ra quyết định nhanh và chính xác hơn. Imexpharm đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp dược phẩm dẫn đầu tại Việt Nam về thực hành ESG, quản trị rủi ro và tuân thủ theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế - qua đó tối đa hóa giá trị cho cổ đông và cộng đồng.

Ban lãnh đạo Imexpharm khẳng định, mở rộng danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp tục củng cố hiệu quả hoạt động sẽ là 3 trụ cột chiến lược giúp Imexpharm hiện thực hoá tầm nhìn trung và dài hạn.

Hỏi – Đáp cùng cổ đông: Kiến tạo niềm tin từ sự minh bạch và am hiểu chuyên môn

Phần thảo luận tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 đã phản ánh rõ mức độ quan tâm của cổ đông đến các vấn đề chiến lược then chốt – từ danh mục sản phẩm tương lai, khả năng cạnh tranh dài hạn đến cấu trúc sở hữu và vị thế thị trường của Công ty.
Ông Sung Min Woo, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ: “SK hiện đang tiến hành tái cấu trúc danh mục đầu tư toàn tập đoàn, bao gồm tất cả các tài sản của SK trên toàn cầu. Do vậy, có khả năng sẽ có sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu của SK tại Imexpharm trong tương lai.

Với sự hợp tác chặt chẽ cùng SK, Imexpharm đã nâng cao năng lực và mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn cầu, trở thành một công ty dược phẩm có thể cạnh tranh với các công ty dược phẩm hàng đầu. Chúng tôi tin rằng Imexpharm vẫn tiếp tục phát triển một cách độc lập và bền vững. Một lần nữa, do các yếu tố địa chính trị, thời điểm và hình thức cụ thể của việc thoái vốn vẫn chưa được xác định. Trong thời gian này, SK sẽ tiếp tục đồng hành cùng Imexpharm với tư cách là cổ đông lớn nhất và cam kết điều hành Imexpharm một cách hiệu quả.”



Về năng lực cạnh tranh, Tổng Giám đốc Trần Thị Đào nhấn mạnh ba yếu tố then chốt giúp Imexpharm duy trì đà tăng trưởng vượt trội: năng lực sản xuất chuẩn EU-GMP, danh mục kháng sinh thế hệ mới với độ phủ bệnh viện rộng khắp, và mô hình vận hành tinh gọn – minh bạch – hiệu quả. Đây chính là nền tảng để Công ty không chỉ dẫn đầu thị trường kháng sinh, mà còn mở rộng sang các nhóm điều trị phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng t nghiêm trọng trên toàn cầu, đe dọa đến hiệu quả điều trị và sức khỏe cộng đồng. Imexpharm đã chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển các dòng kháng sinh thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ông Lê Văn Nhã Phương, Phó Tổng Giám đốc khối Sản xuất, chia sẻ cụ thể về ba nhóm điều trị trọng điểm mà Công ty đang đẩy mạnh phát triển là: tim mạch, tiêu hóa và tiểu đường. Những nhóm này hiện có quy mô thị trường hơn 50 ngàn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) và đang có mức tăng trưởng kép ổn định từ 8-13% mỗi năm, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu đường, khi nhu cầu điều trị liên tục tăng cao (theo IQVIA).

Ngoài ra, trả lời vấn đề về chiến lược thị trường, Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc khối Tài chính khẳng định rằng đẩy mạnh hợp tác với các chuỗi nhà thuốc đang mang lại hiệu quả tích cực về cả doanh số, thị phần và biên lợi nhuận. Đơn hàng từ các chuỗi nhà thuốc thường có khối lượng lớn, giúp công ty tối ưu hoá chi phí sản xuất nhờ tận dụng lợi thế kinh tế quy mô.


Thầy thuốc nhân dân, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, nhấn mạnh: “Với các kết quả ấn tượng năm 2024, bước sang năm 2025, IMP sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như “first generic”, thuốc tương đương sinh học và các dạng bào chế khó…, mở rộng năng lực sản xuất EU-GMP, nâng cao hiệu quả vận hành và hướng tới thị trường xuất khẩu. Dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh (IMP5) dự kiến khởi công cuối năm 2025 sẽ là động lực quan trọng, giúp Imexpharm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và củng cố vị thế trong phân khúc thuốc sản xuất trên dây chuyền EU-GMP với hàm lượng công nghệ cao và giá trị cao.”